5 điểm cần lưu ý khi thiết kế lại bao bì sản phẩm.

Chuyện là hôm nay ghé Phiên Chợ Xanh Tử Tế, được khen bao bì Cá chua đẹp quá hay là giúp bạn ... làm bộ bao bì mới. Nên mình sưu tập lại những thông tin này để ai đó cần tham khảo nhé. Bao bì đẹp không phải là kết quả của mình em. Bài viết dành riêng cho các bạn khởi nghiệp xuất phát từ kỹ thuật, R&D và chưa hiểu nhiều về bao bì sản phẩm .


1. What: Bao bì là gì?
➡️ Là người bảo vệ: Bảo quản, bảo vệ hàng hóa, trong sản xuất, lưu trữ, lưu thông và tiêu dùng
➡️ Là nhân tố giúp tối ưu chi phí lưu kho, vận chuyển
➡️ Là người bán hàng thầm lặng, là kênh truyền thông tiếp cận gần như 100% khách hàng và đồng thời cũng là tuyên ngôn của sản phẩm.

Vì thế việc thay đổi bao bì cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng.

2. Why: Vì sao cần thay đổi bao bì
➡️ Muốn thống nhất một cách trực quan với các sản phẩm khác của công ty trong cùng một thương hiệu (vì thiết kế cũ không có khả năng mở rộng)
➡️ Nâng cấp sản phẩm hiện hữu: có thể là những nâng cấp về chất lượng, hương vị, màu sắc, giá sản phẩm hay thay đổi thông điệp sản phẩm
➡️ Làm mới hình ảnh sản phẩm: Khi hình ảnh và thông điệp của bao bì đã quá lỗi thời, không còn liên quan và phù hợp với khách hàng mục tiêu
➡️ Nâng cấp chất liệu bao bì để nâng cao tác dụng bảo vệ sản phẩm, sang trọng hơn hoặc tối ưu hóa chi phí bao bì nhờ kiểu dáng, chất liệu bao bì mới
➡️ Khi bao bì của bạn hao hao giống với bao bì của đối thủ cạnh tranh trên thị trường (bao bì hiện tại không đảm bảo tính xác thực, đặc biệt, riêng có)
➡️ Mở rộng tiếp cận thị trường mới (NPP nước ngoài cần bao bì riêng...)
➡️ Yêu cầu mới từ Chính phủ (VD: bắt buộc bao thuốc lá phải in hình bệnh nhân lao...)
Xác định rõ nguyên nhân là bước đầu tiên, quan trọng nhất của việc thay đổi bao bì

3. Who: Những ai liên quan đến thiết kế lại bao bì?
➡️ R&D bao bì: phụ trách chất liệu, kiểu dáng, kích thước để đảm bảo và nâng cao giá trị sử dụng của bao bì giúp thuận tiện hơn trong việc lưu trữ, vận chuyển hoặc nâng cao trải nghiệm khi sử dụng sản phẩm.
➡️ Marketing, thiết kế, photographer, copywriter: Phụ trách hình ảnh, thông điệp, thiết kế đảm bảo bao bì mới thể hiện đúng chiến lược kinh doanh và được người tiêu dùng tiếp nhận.

4. How: Cải tiến hay cách mạng?
➡️ Cải tiến bao bì là tập trung điều chỉnh một vài thông tin không hiệu quả trên bao bì, phần còn lại giữ nguyên và khách hàng hầu như có thể nhận ra bao bì mới.
➡️ Cách mạng bao bì: thường gắn liền với các kế hoạch tái tung sản phẩm vì hầu như bao bì mới hoàn toàn và khách hàng cũ khó có thể nhận biết được sản phẩm trên kệ bán hàng.
➡️ Hầu hết những sự thay đổi bao bì trên thị trường là cải tiến vì cách mạng bao bì thường gắn với rủi ro đập đi, xây lại giá trị thương hiệu từ đầu cả về sự hiện diện trên kênh phân phối (physical availability) và hiện diện trong tâm trí khách hàng (metal availability)

5. Những lưu ý khi thay đổi bao bì:
Thiết kế:

➡️ Rõ ràng và đơn giản: Nhìn vào biết ngay bán sản phẩm gì, của thương hiệu nào
➡️ Trung thực: Hình ảnh trung thực, không đánh bóng, có sự khác biệt quá lớn giữa sản phẩm bên trong và hình ảnh bên ngoài để khách hàng không bị tuột mood khi mở bao bì
➡️ Xác thực/ đặc biệt riêng có: Hình ảnh và thiết kế nguyên bản, đúng gốc, không sao chép, có đặc trưng riêng và dễ nhớ. Những đặc trưng riêng này có thể là logo, thiết kế tên thương hiệu, hoa văn, màu sắc, font chữ… cần được duy trì thống nhất. Đây là điểm đặc biệt lưu ý khi thay đổi bao bì. Làm sao để người tiêu dùng vừa biết được đây là phiên bản mới của sản phẩm được thay thế vừa biết được rõ ràng những thay đổi của sản phẩm bên trong (ví dụ: bao bì mới, chất lượng không đổi; bao bì mới, sản phẩm đậm đặc hơn…).
➡️ Hiệu ứng trên vầy kệ: Là sự bắt mắt, dễ nhớ khi nhiều sản phẩm được xếp trên kệ bán hàng để thu hút sự chú ý từ xa. Thiết kế càng xác thực, càng đặc biệt, riêng có càng tạo ra hiệu ứng tốt trên kệ trưng bày. Thỉnh thoảng những thiết kế khi nhìn đơn lẻ rất đẹp nhưng khi xếp thành mảng lớn trên vầy kệ lại không có điểm nhấn thu hút còn những bao bì đơn giản khi xếp lại với nhau lại tạo ấn tượng mạnh. Để kiểm tra hiệu ứng này, có thể làm mock up xếp lên kệ chung với các sản phẩm cạnh tranh cùng ngành hàng.
➡️ Có khả năng mở rộng: Bố cục, thiết kế dễ dàng điều chỉnh để giới thiệu sản phẩm mới của thương hiệu hoặc một thương hiệu con.

Kiểu dáng:

➡️ Tính thực tiễn của bao bì: Hình dạng, kích thước, tính năng thực tế. Những quyết định như nắp chai dầu gội nên ở trên đầu hay dưới chân, nắp vặn hay nắp bật… làm sao để tiện lợi nhất cho khách hàng. Một nghiên cứu mới nhất của Nielsen chỉ ra chỉ cần tối ưu những đặc điểm này, sản lượng bán ra có thể tự cải thiện khoảng 5.5%

Chất liệu:

➡️ Cần cân nhắc về độ bền, khả năng bảo quản sản phẩm bên trong, thời hạn sử dụng bao bì, thời hạn bảo vệ sản phẩm, giá thành, sự thuận tiện trong vận chuyển, lưu kho, mức độ bảo vệ môi trường… Đây cũng là quyết định quan trọng. Sản lượng của nước tăng lực Sting đã bùng nổ khi chuyển từ chai thủy tinh sang chai PET nhờ giải quyết được bài toán phân phối. Tuy nhiên, nếu giá trị của thương hiệu bạn là bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững thì nên xem xét lại vì những hậu quả ô nhiễm môi trường do chai PET gây ra.
Tóm lại: Thiết kế lại bao bì sản phẩm không phải là việc đơn giản vì tui muốn có bao bì mới nên tui thiết kế lại thôi mà xuất phát từ thực tế kinh doanh và yêu cầu đáp ứng thị trường. Và dù thay đổi thế nào (cải tiến từng phần hay cách mạng toàn phần) thì cũng cần đơn giản, rõ ràng và giữ lại đặc điểm nhận diện xuyên suốt để khách hàng có thể nhận ra và ghi nhớ.
P/s: Mượn tấm hình trên mạng. Thiết kế đơn giản, rõ ràng, có khả năng mở rộng...
#learningbysharing#sharing#BaoBiSanPham#BrandManagement

Comments